"Bóng ma Deepfake": Ghép mặt, giả giọng để lừa đảo

Thời gian gần đây, hành vi sử dụng công nghệ Deepfake AI tạo ra hình ảnh, video, giọng nói để lừa đảo dù không mới, nhưng nếu người dân không nắm rõ được phương thức sẽ rất dễ rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.

 

Khái quát chung về công nghệ Deepfake AI

Công nghệ Deepfake được xây dựng trên nền tảng machine learning (Học máy) mã nguồn mở của Google. Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật. Càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để thực hiện. Deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngạc. Trong deepfake AI, các thuật toán học sâu tự dạy cách giải quyết vấn đề với tập dữ liệu lớn, được sử dụng để hoán đổi khuôn mặt trong video, hình ảnh và nội dung kỹ thuật số khác để làm cho giả mạo có vẻ như thật.

Với việc công nghệ doppelganger giúp tạo ra một bản sao giống hệt chủ thể ngày càng phát triển với độ chân thực video cải tiến thì người dân khó có thể phân biệt được đâu là người thực đang nói trước ống kính và đâu là video AI. Hiện nay, Deepfake đang trở thành nỗi ám ảnh, là "bóng ma" trong thế giới ảo, được tội phạm mạng trên khắp thế giới dùng vào nhiều mục đích xấu không chỉ dừng lại ở mục đích lừa đảo.

Cách thức hoạt động của Deepfake liên quan chặt chẽ với trí tuệ nhân tạo. Từ đó, hình ảnh khuôn mặt của một số người nhất định (tạm gọi là người A) với chất lượng cao được thay thế hoàn toàn bằng khuôn mặt của một người khác (người B). Ảnh nén của A được đưa vào bộ giải mã của B. Bộ giải mã sau đó tái tạo lại khuôn mặt của người B với biểu cảm và hướng khuôn mặt của người A. Quá trình này được thực hiện liên tục, chi tiết đến khi cho ra sản phẩm “thật” nhất.