Để Windows 10 chạy nhanh hơn không khó, cũng không tốn nhiều thời gian thiết lập.
Chặn chương trình khởi động cùng Windows 10
Cũng như những phiên bản Windows trước đây, nhiều PC chạy Windows 10 sau một thời gian sử dụng trở nên chậm chạp. Nguyên do một phần là có nhiều chương trình chạy nền được khởi chạy cùng Windows. Nhiều chương trình và dịch vụ khởi chạy ngay từ đầu, chẳng hạn như Google Drive tiện dụng cho bạn. Nhưng một số chương trình khác có thể không cần thiết hoặc rất ít khi bạn sử dụng, vì thế nếu tắt chúng đi chẳng những không bị ảnh hưởng gì mà còn giải phóng được nhiều tài nguyên để hệ thống chạy mượt hơn. Và Windows cho phép bạn chặn một số chương trình ngay từ đầu để không khởi chạy khi khởi động Windows.
Với Windows 10, bạn thực hiện như sau: mở màn hình Task Manager bằng cách nhấn tổ hợp phím Ctrl-Shift-Esc hoặc nhấn phải chuột vào chỗ trống trên thanh tác vụ rồi chọn Task Manager. Nếu cửa sổ Task Manager xuất hiện ở dạng thu gọn, ẩn các thẻ (tab), thì bạn nhấn tiếp vào nút More details. Tiếp theo nhấn vào thẻ Startup, bạn sẽ thấy một danh sách các chương trình và dịch vụ khởi động cùng Windows. Chọn chương trình bạn muốn chặn không cho khởi động cùng Windows, sau đó nhấn nút Disable là xong.
Thao tác này không vô hiệu hóa chương trình hoàn toàn mà chỉ ngăn không cho nó nạp khi hệ thống khởi động, và bạn có thể chạy chương trình bất cứ khi nào muốn. Nếu về sau bạn muốn chương trình khởi động cùng Windows 10 thì chỉ việc trở lại chuỗi thao tác vừa rồi và chọn Enable thay vì Disable.
Nạp nhanh Windows 10
Để bắt đầu một phiên làm việc Windows, theo mặc định hệ thống yêu cầu bạn nhập mật khẩu để xác thực. Tuy nhiên, không phải ai cũng hứng thú với việc nhập mật khẩu hàng ngày, nhất là dùng máy ở nhà. Với Windows 10 cũng vậy. Tuy nhiên và bạn có thể bỏ qua thao tác nhàm chán này nếu yên tâm không có ai đụng đến máy của mình.
Để thiết lập hệ thống bỏ qua yêu cầu xác nhận mật khẩu, bạn nhấn nút Start và gõ netplwiz rồi nhấn phím Enter. Bỏ chọn của hộp cạnh dòng “Users must enter a username and password to use this computer”. Nhấn nút Apply và nhập mật khẩu để kết thúc. Kể từ giờ mỗi khi bật máy hệ thống sẽ không yêu cầu bạn phải nhập mật khẩu để đăng nhập.
Chạy chương trình gỡ rối của Windows
Windows 10 có một công cụ phát hiện và giải quyết những vấn đề về hiệu năng rất hữu hiệu, dù người dùng rất ít để ý tới. Để khởi chạy, hãy gõ troubleshooting vào hộp tìm kiếm rồi nhấn Enter. Tiếp đến, trong cửa sổ Troubleshooting, nhấn vào “Run maintenance tasks” thuộc phần System and Security. Cửa sổ “Troubleshoot and help prevent computer problems” hiện ra, bạn nhấn nút Next.
Công cụ sẽ tìm các tập tin và những shortcut bạn không dùng tới, khảo sát hiệu năng và mọi vấn đề khác đang tồn tại với PC của bạn, và thông báo cho bạn biết để xử lý. Lưu ý là bạn cần có quyền quản trị để thực hiện sửa lỗi.
Tắt hiệu ứng làm đẹp trong Windows 10
Menu Start của Windows 10 bật lên trông đẹp mắt nhưng hiển thị chậm, nhất là với những máy cũ, cấu hình yếu. Điều này là bởi các hiệu ứng chuyển động đánh lừa thị giác gây ảnh hưởng tới hiệu năng hệ thống.
Nếu bạn coi trọng tốc độ thì có thể tắt những hiệu ứng này. Trong Windows 10, gõ sysdm.cpl vào hộp tìm kiếm và nhấn Enter, hộp thoại System Properties sẽ hiện lên. Chọn thẻ Advanced và nhấn vào nút Settings trong phần Performance. Hộp thoại Performance Options hiện lên, và bạn sẽ thấy một danh sách cho phép chọn hiệu ứng chuyển động và những hiệu ứng đặc biệt. Bạn có thể tự tinh chỉnh theo ý mình, tắt từng mục phát sinh hiệu ứng để hệ thống không bị ảnh hưởng hiệu năng.
Tuy nhiên, đơn giản và nhanh nhất là nhấp chọn “Adjust for best performance” ở phần trên của cửa sổ rồi nhấn Apply. Windows 10 sẽ tắt những hiệu ứng khiến hệ thống chạy chậm.
Tắt dịch vụ của Windows 10
Các phiên bản Windows đều có các dịch vụ chạy nền, một số trong đó là quan trọng hay cần thiết cho hệ thống, nhưng số khác lại ít khi được sử dụng hàng ngày và có thể vô hiệu hóa để tăng tốc cho Windows 10.
Để tắt dịch vụ trong Windows 10, gõ services.msc vào ô tìm kiếm rồi nhấn Enter. Sau đó nhấn đúp vào dịch vụ mà bạn muốn dừng hoặc vô hiệu hóa, rồi nhấn nút Stop nếu muốn dừng. Bạn cũng có thể chặn không cho dịch vụ khởi động khi nạp hệ thống bằng cách chọn Disable trong ô Startup type.
Dù vậy, bạn cần thận trọng với thao tác này, vì dừng hoặc vô hiệu hóa một dịch vụ có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước do có những thành phần hoặc ứng dụng bị tắt sai cách.
Gỡ bỏ bloatware trong Windows 10
Có lẽ chẳng mấy ai hứng thú với những bloatware do nhà sản xuất PC cài sẵn vào máy mới cùng Windows. Chúng không thực sự cần thiết, trong khi lại chiếm tài nguyên làm giảm hiệu năng của hệ thống. Đó là lý do vì sao có những phần mềm chuyên “xử lý” bloatware, như PC Decrapifier hay Ccleaner.
Defender tích hợp sẵn trong Windows 10 cũng giúp bạn phần nào trong việc phát hiện và gỡ bloatware mà nó ngờ rằng đó là malware. Gõ Defender trong hộp tìm kiếm rồi nhấn Enter, sau đó nhấn nút Scan Now để chương trình tìm và gỡ bỏ khỏi hệ thống những malware mà nó phát hiện ra.
Thực hiện cài mới lại Windows 10 là cách chắc chắn nhất để bạn thoát khỏi bloatware.
Dọn dẹp đĩa Windows 10
Windows 10 tích hợp sẵn công cụ Disk Cleanup tiện cho việc loại bỏ các tập tin không cần thiết để có thêm dung lượng trống trên đĩa và máy chạy nhẹ nhàng hơn. Để thực hiện, bạn truy cập Start > File Explorer rồi nhấn phải chuột vào ổ đĩa C: (ổ cài Windows) và chọn Properties. Tại thẻ General, nhấn nút Disk Cleanup và đánh dấu chọn loại bỏ những tập tin không cần thiết (chẳng hạn “temporary internet files”), cuối cùng nhấn nút OK.
Ngoài ra, nút “Clean up system files” giúp người giàu kinh nghiệm loại bỏ nhiều tập tin hơn, trong đó gồm cả các tập tin hệ thống trước khi được cập nhật bản mới nhất - “Previous Windows Installation(s)”.
“Thúc” Windows 10 khởi động nhanh
Windows 10 có một chế độ khởi động “lai” mà giúp giảm thiểu thời gian khởi động hệ thống. Để nó phát huy tác dụng thì khi kết thúc phiên làm việc bạn đưa PC vào chế độ ngủ đông thay vì shut down thực sự.
Để kích hoạt chế độ này, gõ Power Options vào hộp tìm kiếm và nhấn phím Enter, sau đó bạn nhấn vào “Change what the power buttons do”. Tiếp theo nhấn vào “Change settings that are currently unavailable”. Cuối cùng, đảm bảo “Turn on fast start-up” được chọn (mặc định), và bạn nhấn chọn vào hộp bên cạnh “Hibernate”, rồi nhấn Save changes.
Tắt nhanh PC Windows 10
Để shut down Windows 10, bạn sẽ phải qua ba lần nhấp chuột (nhấn nút Start rồi Power và Shut down). Nếu bạn cảm thấy qui trình kết thúc công việc như vậy quá nhàm chán thì đơn giản là tạo ra một shotcut tắt nhanh trên desktop. Nhấn phải chuột vào chỗ trống trên màn hình desktop rồi chọn New > Shortcut. Tại trường Location, bạn gõ dòng dưới đây:
%windir%\System32\shutdown.exe /s /t 0
Nhấn nút Next để kết thúc. Bây giờ thì mỗi lần nhấn vào shotcut vừa tạo ra, PC của bạn sẽ shut down ngay lập tức.
Nguồn: PC WORLD VN,