Tin tức chiếc máy Mac Studio có thêm một khe SSD, qua đó làm dấy lên dự đoán rằng Mac Studio sau này có thể nâng cấp được bộ nhớ lưu trữ là một trong những chủ đề nóng nhất, bên cạnh hiệu năng ấn tượng của chiếc desktop chạy macOS kích thước nhỏ gọn vừa được Apple ra mắt. Có điều, nếu anh em xem clip và những hình ảnh các blogger công nghệ mổ bụng chiếc Mac Studio ngày hôm qua, anh em sẽ thấy ủa hình như cái SSD của Apple trang bị cho Mac Studio hơi khác so với những “phong kẹo cao su” phổ biến trên thị trường?
Những “phong kẹo cao su" phổ biến ấy thật ra là một dạng SSD kết nối qua cổng M.2, thường gọi là 2280 vì kích thước của nó: 22mm bề ngang và 80mm chiều dài. Đây cũng là những mẫu SSD phổ biến nhất trên thị trường desktop. Còn trên thị trường laptop, yêu cầu thiết bị nhỏ gọn khiến nhiều hãng chọn giải pháp M.2 kích thước 2230 hoặc 2242 để làm thiết bị lưu trữ cho máy tính xách tay. So với những chiếc ổ cứng đường kính 3.5 hoặc 2.5 inch, rõ ràng SSD chuẩn M.2 gọn gàng hơn nhiều.
Nhưng điều đó đưa chúng ta đến với rắc rối tiếp theo. Vì sao mua SSD M.2 ngoài tiệm về cắm không vừa Macbook hoặc Mac mini, chí ít là trên những sản phẩm đời cũ từ 2013 đến 2015?
Apple có một bề dày lịch sử gần chục năm nay liên quan đến SSD trong máy tính Mac. Dù vẫn ứng dụng chuẩn kết nối M.2, vẫn ứng dụng tiêu chuẩn NVMe phục vụ cho ổ cứng kết nối qua cẩu PCI Express trên bo mạch chủ, nhưng họ luôn sử dụng chân kết nối cổng M.2 rất khác so với những SSD phổ biến trên thị trường hiện nay. Lấy ví dụ SSD sử dụng chip NAND SanDisk và controller của Marvell trên chiếc MacBook Pro đời 2013 đến 2015, cũng như MacBook Air đời 2013 đến 2016 sử dụng chân kết nối rất khác so với những SSD M.2 phổ biến trên thị trường, với 11 + 14 chân kết nối với khe cắm M.2. Để tiện so sánh thì dưới đây là SSD của MacBook 2013 so với Samsung 980 Pro:
Một giải pháp rất tiện đến từ phía Sintech là một chiếc adapter để chuyển đổi kết nối M.2 từ những SSD phổ biến sang kết nối của Apple:
Nhưng rồi đến thời MacBook có touchbar từ năm 2016 đến nay, hay chính bản thân chiếc Mac mini kể từ cuối năm 2018, bộ nhớ lưu trữ của máy tính được hàn chết vào bo mạch để tiết kiệm diện tích, tương tự như vậy là chip DRAM trên những mẫu MacBook qua đó làm tan biến luôn giấc mơ nâng cấp bộ nhớ lưu trữ của máy. Anh em muốn có dung lượng lưu trữ lớn hơn chỉ có hai cách, hoặc là mua máy khác, hoặc là sử dụng những giải pháp ổ cứng ngoài hoặc NAS:
Điều kỳ lạ là, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến năm 2017, trái ngược hoàn toàn với tài liệu hướng dẫn sử dụng của Apple, vẫn có vài mẫu MacBook Pro 13 inch (thế hệ A1708) không có touch bar được trang bị SSD có thể tháo rời. Nhưng dĩ nhiên kích thước của SSD này quá lạ để có thể mua những giải pháp với dung lượng cao hơn thay thế. Và dĩ nhiên, dù vẫn kết nối thẳng với cầu nối PCIe của kiến trúc x86, vẫn theo chuẩn NVMe phục vụ những bộ nhớ lưu trữ, nhưng cổng kết nối vẫn theo chuẩn riêng của Apple, không giống ai cả:
Dù vậy điều đó cũng không cản những bên như OWC tạo ra những sản phẩm phục vụ thị trường ngách này, đó là những giải pháp bộ nhớ mở rộng cho MacBook Pro 13" đời 2016 và 2017, loại có thể tháo SSD. Giá nâng cấp mà OWC đưa ra rất thân thiện với người dùng: 240GB giá 119 USD, 2TB cũng chỉ có giá 349 USD, thậm chí còn kèm luôn cả công cụ để người dùng tự mở máy.
Điều đó đưa chúng ta đến với lý do rất đơn giản giải thích tại sao Apple chỉ dùng những SSD với kích thước và cổng kết nối M.2 rất dị, chỉ có mình họ dùng và chỉ phục vụ đúng sản phẩm của họ bán ra thị trường: Lợi nhuận.
Cũng là 2TB, nhưng giải pháp SSD cho người dùng tự nâng cấp cho chiếc máy Mac Pro có giá 1.000 USD. Được cái là bộ kit SSD này cho phép anh em tận dụng khe M.2 ngay cạnh sườn máy, chứ không giống như những giải pháp tốn mất một khe PCIe trên bo mạch như những add-in card của OWC, tốc độ ấn tượng nhưng giá cũng chẳng rẻ hơn là bao. Lấy ví dụ OWC Accelsior 8M2 hỗ trợ tốc độ lên đến 12GB/s đã có giá 1.299 USD cho phiên bản 2TB, còn bản 4M2 2TB tốc độ tối đa 6GB/s thì có giá 719 USD. Đấy là chưa nói đến chuyện những card PCIe này chiếm luôn 1 slot trên bo mạch chủ của máy Mac Pro, không tiện như giải pháp Apple đưa ra cho chính người dùng.
Tương tự như vậy, khá chắc đến thời kỳ Mac Studio, Apple rồi cũng sẽ có giải pháp SSD mở rộng bộ nhớ lưu trữ cho đối tượng người dùng chuyên nghiệp. Rất có thể họ nói (nguyên văn trên trang web) “người dùng không thể tiếp cận bộ nhớ lưu trữ của Mac Studio” đơn giản vì kết nối M.2 của SSD trên Mac Studio vốn đã khác xa, cả về hình dáng kích thước lẫn bố cục số lượng chân kết nối so với SSD mở rộng của Mac Pro. Ấy là chưa kể, vì không còn dùng kiến trúc x86 nữa, nên rất có khả năng giải pháp kết nối SSD với CPU của Mac Studio cũng không phải chuẩn NVMe phổ biến.
Không chỉ dừng lại ở việc dùng khác kết nối, mà bản thân những chiếc máy Mac giờ đều được trang bị chip T2, tạo ra liên kết mã hóa các linh kiện phần cứng gốc khi máy xuất xưởng và đến tay anh em. Chip T2 trong Mac Pro cũng đảm nhiệm vai trò quản lý, kết nối và mã hóa ổ cứng thể rắn.
Nhờ cầu nối mà Apple gọi là giải pháp bảo mật này, tạm thời bỏ qua những giải pháp máy tính hàn chết chip NAND lưu trữ trên bo mạch chủ, muốn nâng cấp SSD trên Mac Pro thông qua những khe cắm M.2 trên chassis chỉ có một cách duy nhất: Dùng giải pháp của Apple bán ra thị trường, mua một chiếc ổ mới toanh để pair với chip T2, và con chip bảo mật này sẽ khóa luôn phần cứng vào cấu hình máy. Một vấn đề nữa liên quan đến sửa chữa. Nếu ổ cứng hư hỏng, chỉ vẫn chỉ có Apple mới giúp được anh em.
Mac Studio hay những chiếc máy tính có ổ lưu trữ tháo rời được trong tương lai của Apple cũng không phải ngoại lệ. Vì thế nếu muốn nâng cấp, người dùng gần như chỉ có một cách duy nhất đó là nhờ tới sản phẩm của chính Apple bán ra thị trường. Và đến lúc đó thì Apple thích áp giá thế nào là quyền của họ, còn mua hay không thì lại là quyền của người dùng.
NGUỒN : tinhte.vn